Mã hiệu số hóa nlvnpf-0446 Mã kho R.459 Tên sách 雜抄 Tạp sao Nơi xuất bản Số trang 19 Kích cỡ 29 x 16 cm Type Sách Kiểu tài liệu Khắc in Tóm tắt “Nội dung: 6 tờ đầu chép thơ đi sứ. Trên sách trình bày không thật rõ thơ của ai, nhưng cuối phần chép này có ghi rõ: Thời Thiệu Trị Nhâm Dần trọng đông đông chí tiền ngũ nhật. Hiệp biện đại học sĩ lĩnh Lễ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Thái Thường tự Ân Quang tự Lê Văn Đức Nhật Tân thị thư (Năm Thiệu Trị Nhâm Dần (1842), năm ngày trước tiết Đông chí tháng trọng đông (tháng Chạp) Hiệp biện đại học sĩ lĩnh Lễ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Thái Thường tự Ân Quang tự là Lê Văn Đức tự Nhật Tân viết) Đoạn tiếp sau là bài Tựa rách mất trang, còn một đoạn ngắn, cho biết tháng giêng năm Tân Sửu ông được ban chiếu chỉ thăng chức Lễ bộ hữu Tham tri, sung chức chánh sứ sứ bộ sang nhà Thanh, tiện đường đi được phép ghé về thăm quê nhà….. (đoạn sau bị mất). Các bài thơ chép từ tờ 1- 6 có lẽ là một ít không đầy đủ các sáng tác thơ của Lê Văn Đức làm trong dịp đi sứ đó. Hiện có các bài: - Kiến trì xa trương phàm giả 見持車張帆者 (Thấy người đẩy xe có căng buồm). Tác giả chú thích: Thổ tục ở đây phần nhiều dùng xe 1 bánh chở hàng, một người đi sau đẩy xe, gặp khi thuận gió thì họ căng lên một mảnh vải làm buồm để đẩy xe đi cho nhẹ. / Loại xe đẩy một bánh bằng gỗ này thường gọi là xe cút kít. Cái lạ khiến cho tác giả phải làm thơ ghi lại là ở chỗ trên xe cũng cắm cọc căng buồm. Khoảng vài chục năm trước ở ta cũng có nơi dùng xe như thế) - Khách quán ngũ nguyệt 客館五月 (tháng năm ở nhà khách) - Đồ ngộ hàn vũ 途遇寒雨 (Trên đường gặp mưa lạnh) - Thập nguyệt sóc sinh nhật cảm phú 十月朔生日感賦 (Cảm tác nhân ngày sinh mồng một tháng muời) - Vũ Thắng quan khẩu hiệu 武勝關口號 (Gọi miệng khi qua cửa quan Vũ Thắng) - Tiểu Hà ti công quán vãn trú 小河司公館晚住 (Nghỉ đêm ở nhà công quán của ti Tiểu Hà) - Một số thơ tiễn tặng - Phụ: Chư công quán đối liên 諸公館對聯 (Phụ chép câu đối ở các nhà công quán bên Trung Quốc). Đến đây là hết phần thơ văn của Lê Văn Đức. Thơ đi sứ của một vị Chánh sứ đời Thiệu Trị. Lê Văn Đức người Vĩnh Long (Nam Bộ), đậu Hương cống đầu đời Gia Long (1813 – bấy giờ triều Nguyễn chưa mở khoa thi Tiến sĩ), làm quan qua các triều Gia Long- Minh Mệnh, đầu đời Thiệu Trị thăng đến chức Lễ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần như dòng chức tước đã ghi trên, sau năm nói trên ông còn được thăng thượng thư bộ Binh, hàm Thái tử Thiếu bảo, đáng kể là bậc danh nhân của nước ta. Phần chép thơ văn Lê Văn Đức trong tập này tuy có thể đã bị tàn khuyết nhưng hiển nhiên là rất có giá trị trong di sản Hán Nôm tại TVQG. Sau phần thơ văn nói trên là bản chép bài phú về phong thổ tỉnh Phú Thọ, do Vũ Mộng Hải 武夢海 người Đôn Thư, Hà Nội soạn ra trong thời gian đi làm việc quan ở Phú Thọ (họ, tên hiệu của người này và niên hiệu thấy ghi ở dòng cuối cùng sau sách). Trong phần sau này có đoạn ghi quy định cúng tế năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), từ đó có thể đoán định thời điểm chép sách này vào khoảng niên hiệu Đồng Khánh hoặc đầu Thành Thái (1889- 1907).” Ghi chú Ngô Đức Thọ, chủ biên; biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Vũ Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn. Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia. Hà Nội: Bộ Văn hoá thông tin - Thư viện Quốc gia, 2002: trang 349. |