“Tên sách đầy đủ ghi ở tờ 1a: Đỉnh phong tùng lục tân soạn tẩm tử Tâm nang đại tập. Sách sưu tập các bài sớ khấn cáo trong các cuộc tiết lễ, có lẽ để làm mẫu sẵn để tùy theo từng trường hợp cụ thể theo mẫu đó soạn ra mà sử dụng.
Phần đầu gồm một số bài sớ thỉnh trừ tai giải nạn, không thấy tiêu mục riêng mà cũng không xếp vào quyển nào: - Nông dân tống hoàng trùng sớ (Sớ của nông dân khấn cáo xin trừ nạn hoàng trùng – tức bệnh rầy nâu phá lúa) - Nông dân lễ cúng thường tân sớ (Sớ của nông dân khấn cáo lễ cúng cơm mới ở đình làng) - Thiền môn lễ cúng thường tân sớ (Sớ nhà chùa khấn cáo lễ cúng cơm mới) - Thiền tăng lập cảnh khai sơn phạt mộc dự cáo sớ ( Sớ của nhà sư khấn cáo xin thổ địa thần kỳ cho phép vào rừng đốn gỗ phát hoang để làm chùa xây tháp v.v…) - Lễ nhạc sư cầu thọ tống ách ninh tường biểu (Sớ của thầy cúng cầu khấn thần linh giải trừ ách nạn ban phúc thọ cho thân chủ)- Cầu sự dĩ thành lai tạ sớ (Sớ tạ ơn sau khi cầu khấn mà việc đã thành) - Giải quái mộng sớ ( Sớ khấn cáo xin giải thích mộng lạ)- Giải xà quái sớ (Sớ cầu khấn xin đuổi rắn dữ) - Giải điểu quái (Sớ cầu khấn xin đuổi chim dữ)…
Q.1: Cầu phúc tập 求福集: - Xuân tiết minh niên nghênh tường sớ (Sớ mừng xuân đón điềm lành năm mới) - Tam nguyệt thanh minh tiết sớ (Sớ cầu phúc lễ Thanh minh tháng ba) - Ngũ nguyệt Đoan ngọ sớ (Sớ cầu phúc lễ Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5) - Thu tiết nghênh tường sớ (Sớ cầu phúc đón điềm lành mùa thu) - Bát nguyệt Trung thu tiết sớ (Sớ cầu phúc tiết Trung thu) v.v..
Q.2: Cầu sám tập 求懺集: - Xuất gia quy y thế phát sớ (Sớ khấn cáo khi làm lễ cạo tóc xuất gia quy Phật) - Tại gia quy y sám hối sớ (Sớ sám hối cho người quy y tại gia) - Thiền tăng trụ trì sám hối nhật tự sớ (Sớ của sư trụ trì chùa tự sám hối) - Tại gia lập ban Phật sự tập sóc vọng sớ (Sớ của người tu tại gia sám hội trước bàn thờ Phật ngày mồng một, rằm)
Q.3: Cầu tiến tập 求薦集: - Tôn sư hạ nhật hiến trai (Mời cơm thầy học nhân lễ mừng) - Tôn sư húy nhật hiến trai (Mời cơm thầy học nhân nhà có giỗ) - Thượng đức giáng sinh tức nhất cung trần lễ hạ (Mời cơm sư chùa nhân lễ Phật đản). Tập sách này như các mục đã kê có lẽ không có tác dụng làm mẫu văn cho hiện tại, nhưng người nghiên cứu xã hội học, phong tục học có thể tham khảo để biết rõ nghi thức lễ tiết ngày truớc.”
Nguồn: Ngô Đức Thọ, chủ biên; biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Vũ Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn. Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia. Hà Nội: Bộ Văn hoá thông tin - Thư viện Quốc gia, 2002: trang 339.
Sử dụng các phím mũi tên để di chuyển trang. Sử dụng các phím +, - trên bàn phím số hoặc bánh xe lăn để phóng to/thu nhỏ trang.