Mã hiệu số hóa nlvnpf-0390 Mã kho R.626 Tên sách 太平風物誌 Thái Bình phong vật chí Tác giả 范文樹 Phạm Văn Thụ Nơi xuất bản Số trang 62 Kích cỡ 29 x 16 cm Type Sách Kiểu tài liệu Viết tay Tóm tắt “Sách địa phương chí tỉnh Thái Bình, do Phạm Văn Thụ soạn năm Canh Tý niên hiệu Thành Thái 12 (1900) khi làm Tri phủ Tiên Hưng. Sách gồm 7 chương và một phụ lục: - Chương 1: Diên cách (địa danh thay đổi qua các đời), lần lượt ghi các phủ huyện: 1- Phủ Kiến Xương (huyện Trực Định, huyện Vũ Tiên, huyện Thư Trì, huyện Tiền Hải). 2- Phủ Thái Ninh (huyện Thanh Quan, huyện Đông Quan, huyện Thuỵ Anh). 3- Phân phủ Thái Ninh (huyện Phụ Dực, huyện Quỳnh Côi). 4- Phủ Tiên Hưng (huyện Thần Khê, huyện Diên Hà, huyện Hưng Nhân). - Chương 2: Phong tục: nhận xét của tác giả về phong tục của các phủ huyện. Chẳng hạn: huyện Trực Định: "Giàu thịnh từ xưa, các đời đều có nhiều văn chương Nho học ... ", dẫn câu thơ vịnh của Tổng đốc Đỗ Điển: "Trình Phố toàn hương đa hiển hoạn, Vũ Lăng nhất ấp tận lương điền" (làng Trình Phố nhiều người làm quan hiển đạt, thôn Vũ Lăng toàn đất ruộng tốt"... - Chương 3: Nhân vật: tóm tắt tiểu sử một số nhân vật có danh tiếng của Thái Bình: Nguyễn Đăng Ngạn, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Đăng Phong, Phạm Đình Sĩ, Phạm Đình Thiện, Nguyễn Ngô Bích, Bùi Viện, Hoàng Bá Du, Phạm Duy Uy, Phạm Duy Trực, Khiếu Đình Tuân, Phạm Như Tùng, Đỗ Lý Khiêm, Đỗ Oanh, Doãn Uẩn, Doãn Khuê... (41 người). - Chương 4: Cựu tích dị sự (tích cũ chuyện lạ): chợ Tiên ở huyện Thư Trì, ngôi mộ thiêng ở xã Thám Đồng, cá thần ở cửa biển Trà Lý, tượng voi đất ở thôn A Sào (thờ con voi chở Trần Hưng Đạo qua bãi lầy sụt chân xuống bùn không kéo lên được), lăng vua Lê Cung Hoàng, đền thờ công chúa Tiên La (nữ tướng thời Hai Bà Trưng) v.v... (20 truyện). - Chương 5: Chinh tiễu (đánh dẹp): chương này chép một số cuộc nổi dậy của nhân dân Thái Bình thời Cần vương chống Pháp mà Phạm Văn Thụ biết được và ghi lại khi mới về làm Tri phủ Tiên Hưng. Trong đó đáng chú ý có những sự việc liên quan đến Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, cuộc nổi dậy chống Pháp của sư chùa xã Nguyệt Viên là Nguyễn Bá Ôn (1897), khởi nghĩa của Bang Tốn (1883), Đốc Nhượng (1885)... - Chương 6: Giang hà (sông ngòi): giới thiệu sơ lược về hệ thống sông ngòi chằng chịt trong bản tỉnh. - Chương 7: Hiện tình nan lợi chi trạng (bàn về tình thế thuận lợi và khó khăn): tuy Thái Bình đất rộng người đông, có truyền thống lâu đời nhưng thịnh hay bị hạn hán bão lụt, những việc chính sự tốt từ trước nhiều người đề xướng nhưng lúc làm lúc bỏ, đã sức cho dân chúng sửa sang đường xá nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu... Phần cuối có một Phụ lục là bản tâu của Giám sát ngự sử Đặng Kim Toán gửi lên triều đình trình bày về việc sông ngòi đê điều tỉnh Thái Bình sau khi vâng mệnh đi điều tra tại chỗ vào năm Tự Đức thứ 5 (1852).” Nguồn: Ngô Đức Thọ, chủ biên; biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Vũ Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn. Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia. Hà Nội: Bộ Văn hoá thông tin - Thư viện Quốc gia, 2004: trang 359. |